Nhà lãnh đạo khôn ngoan

Trong thời đại đầy biến động ngày nay, rất khó để có được người lãnh đạo khôn ngoan, sáng suốt. Nhân loại với tất cả nguồn tri thức của mình cũng không thể ngăn chặn sự sụp đổ của hệ thống tài chính toàn cầu.

Không một ai có thể ngăn chặn suy thoái kinh tế toàn cầu hay đảm bảo rằng các tập đoàn dẫn đầu như General Motors hay Circuit City không bị phá sản. Và ít ai nhận ra rằng con đường khôi phục lại nền kinh tế vô cùng khó khăn dù chính phủ các nước đã đưa ra các gói kích thích khổng lồ. Thực tế ở Mỹ và Nhật hiện nay tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm vẫn là vấn đề nan giải. Chưa bao giờ chúng ta cần đến sự lãnh đạo khôn ngoan như lúc này và cũng chưa bao giờ những người dẫn đầu khiến chúng ta thất vọng nhiều như thế.

Các CEO ngày nay cũng không ít người phải bất lực. Nhiều người trong số họ gặp khó khăn khi phải đổi mới công ty để bắt kịp với những thay đổi về công nghệ, đối tượng khách hàng và xu hướng tiêu dùng. Họ không thể phát triển các tổ chức toàn cầu thực sự có thể hoạt động xuyên quốc gia một cách dễ dàng.

Quan trọng hơn cả, việc đảm bảo cho con người vẫn giữ được đạo đức và các giá trị khác là thách thức khó vượt qua đối với các nhà lãnh đạo thời nay. Những nguyên tắc đang chiếm ưu thế trong kinh doanh hiện nay khiến người ta đặt ra câu hỏi: “Tôi sẽ được lợi gì từ việc đó” chứ không phải “Điều gì tốt, đúng, công bằng cho tất cả mọi người”. Các nhà điều hành vẫn tin rằng mục tiêu của kinh doanh trước sau vẫn là lợi nhuận, và tham lam thì chẳng có gì là sai trái miễn là không bị phát hiện.

Những CEO ngày nay luôn phải lựa chọn giữa lý thuyết và thực tế của đạo đức kinh doanh.

Có lý do để lý thuyết và thực tế của đạo đức trong kinh doanh luôn cách xa nhau: đó là sự khác biệt lớn giữa những bài thuyết giáo về quản lý với những gì mà người đứng đầu đã làm. Phương Tây có một khuynh hướng triết học cho rằng nếu một học thuyết không có hiệu lực, thì chắc chắn thực tế có vấn đề nào đó.

Đạo đức của con người dường như ít được thể hiện hơn khi họ là thành viên của một nhóm hay tổ chức nào đó. Các cá nhân cư xử đúng đắn trong những tình huống thông thường có thể biến thành con người khác khi họ căng thẳng. Và những lý lẽ bào chữa kiểu như bạn làm thế là vì lợi ích của công ty hay không ai có thể biết được việc bạn làm thường dẫn đến những việc làm sai trái.

Rõ ràng có vấn đề trong cách thức đào tạo nhà quản lý ở các trường kinh doanh, công ty và các nhà lãnh đạo. Như giáo sư Bent Flyvbjerg đã chỉ ra trong cuốn “Vấn đề khoa học xã hội” (Cambridge, 2001), thay vì cố gắng mô phỏng khoa học tư nhiên, lẽ ra chúng ta nên đảm bảo các nhà quản lý sẽ đặt ra các câu hỏi như “Chúng ta đang đi đâu?” “Ai được, ai mất và bằng cơ chế quyền lực nào?” “Sự phát triển này có đáng mong đợi không?” và “Chúng ta nên làm gì?”

Để có thể ứng phó với vô số thách thức trên, kiến thức, hiểu biết của các nhà lãnh đạo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Như cuốn sách The Knowledge-Creating Company (Công ty sáng tạo tri thức) mà chúng tôi xuất bản cách đây 16 năm đã khẳng định rằng chính tri thức mới là thứ tạo ra lợi thế cạnh tranh bền vững.

Các công ty đã và đang học cách để thu hút, bồi dưỡng và phân phối tri thức; làm chất xúc tác cho các cải tiến, đổi mới liên tục trong kinh doanh. Tuy nhiên, như chúng ta đã thấy, điều hành môt công ty sáng tạo tri thức là công việc không hề dễ dàng.

Tại sao kiến thức không mang lại sự khôn ngoan trong lãnh đạo? Vấn đề ở đây là nhiều nhà lãnh đạo không sử dụng tri thức một cách đúng đắn và số đông họ ‘trau dồi’ những tri thức lệch lạc. Có 2 loại tri thức mà chúng tôi đề cập trong cuốn ‘Công ty sáng tạo tri thức’ là: tri thức ngầm và tri thức hiện. Các nhà quản lý có xu hướng phụ thuộc vào tri thức hiện, bởi vì tri thức hiện có thể mã hóa, đo đếm, và khái quát hóa.

Các công ty tại Wall Street nghĩ rằng họ có thể kiểm soát rủi ro lớn bằng cách sử dụng các con số, dữ liệu và công thức khoa học thay vì đánh giá các khoản cho vay riêng biệt. Tương tự đối với ngành công nghiệp ô tô của Mỹ, họ chỉ chăm chăm khuyến khích khách hàng về mặt tài chính thay vì tìm hiểu nhu cầu thực sự của khách hàng.

Chỉ dựa vào tri thức hiện khiến các nhà lãnh đạo gặp khó khăn khi phải đối phó với thách thức nảy sinh. Phương pháp tiếp cận ưu tiên lý thuyết, mang tính khoa học, suy diễn thường bỏ qua yếu tố ngữ cảnh và đòi hỏi đáp án mang tính phổ quát cũng như có khả năng dự đoán. Tuy nhiên, tất cả các hiện tượng xã hội trong đó có kinh doanh đều phụ thuộc vào bối cảnh, bởi vậy khi phân tích các hiện tượng xã hội phải xem xét đến mục tiêu, các giá trị và lợi ích của con người cùng với các mối quan hệ quyền lực giữa các cá nhân với nhau. Tuy nhiên, các nhà điều hành lại bỏ quên điều này.

Giới lãnh đạo sẽ tiếp tục phụ thuộc vào các phát minh, khám phá khoa học mới để giải quyết các vấn đề môi trường, năng lượng và đa dạng sinh học đang đe dọa toàn cầu. Và họ sẽ tiếp tục căn cứ vào các cải tiến công nghệ để xây dựng, phát triển hệ thống thông minh hơn. Tuy nhiên, không phải là vấn đề của riêng các tổ chức, công ty, việc kiến tạo tương lai phải là sự theo đuổi mục tiêu chung tích cực của đại đa số.

Câu hỏi mà các CEO cần phải đặt ra là: các quyết định của họ có mang lại lợi ích cho xã hội cũng như cho chính công ty của họ không? Công việc quản lý cần hướng tới mục đích cao hơn. Các công ty nên xem bản thân là những thực thể với nghĩa vụ mang lại lợi ích lâu dài cho xã hội. Nếu một công ty không mang lại các giá trị kinh tế cũng như xã hội, đương nhiên nó không thể tồn tại lâu dài.

Thêm vào đó, thế giới cần đến nhà lãnh đạo, người sẽ đưa ra những đánh giá, quyết sách quan trọng nhận thức được thực tế rằng tất cả mọi thứ cần phải đặt trong bối cảnh và bất cứ điều gì cũng có thời điểm riêng của nó. Quản lý vi mô cần phải kết hợp song song với xem xét vĩ mô, bức tranh lớn của tương lai nhân loại.

Trong suốt hơn 2 thập kỉ qua, chúng tôi đã nghiên cứu công tác lãnh đạo trong nhiều loại hình tổ chức khác nhau; giảng dạy về cách thức lãnh đạo trong kinh doanh, đặc biệt ở Nhật. Chúng tôi cũng phỏng vấn nhiều thế hệ lãnh đạo của nhiều công ty hàng đầu thế giới. Mục tiêu của chúng tôi là chỉ ra cách thức để các nhà lãnh đạo đưa ra các quyết sách mang tính hệ thống, giúp công ty của họ có thể hòa hợp thay vì xung đột với xã hộ. Nghiên cứu của chúng tôi cũng chỉ ra rằng việc sử dụng tri thức hiện trong lãnh đạo là chưa đủ.

Các CEO cần có loại tri thức khác thường bị bỏ quên, đó là sự khôn ngoan thực tiễn (practical wisdom). Khôn ngoan thực tiễn là tri thức ngầm đòi hỏi kinh nghiệm, giúp con người đưa ra các đánh giá đúng đắn và hành động dựa theo tình hình thực tế. Sự khôn ngoan ấy phải được các giá trị đạo đức dẫn đường. Khi các nhà lãnh đạo nuôi dưỡng, khuyến khích loại hình tri thức này trong tổ chức của mình, họ không những có thể tạo ra tri thức mới mà còn có khả năng đưa ra các quyết định sáng suốt.

(Nguồn quantritructuyen.com)

 

Leave A Comment...